Ai sinh ra cũng mong muốn có được một khuôn mặt đẹp, sáng, láng mịn nên việc sở hữu những “em bé” sẹo rỗ trên mặt dù không gây đau đớn gì cho bạn, cũng chẳng gây hại về mặt sức khỏe. Nhưng về mặt tinh thần và thẩm mỹ nó lại là một “cơn ác mộng” cho cả hai phái, đặc biệt là phái đẹp. Chúng khiến làn da trở nên thô nhám, kém mịn màng, lão hóa đi từng ngày.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều phương pháp trị sẹo khác nhau, khiến chúng ta như lạc trong ma trận để lựa chọn được phương pháp phù hợp cho bản thân mình. Bài viết này sẽ giúp cho bạn có cái nhìn tổng quan về sẹo rỗ (lõm) cũng như ưu và nhược điểm, giá thành các phương pháp điều trị sẹo phổ biến trên thị trường. Từ đó để bạn có thể tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho chính bản thân mình. Hãy cùng Sống khỏe 24h làm sáng tỏ những vấn đề xung quanh sẹo rỗ nhé!
Sẹo rỗ (lõm) là gì?
Để điều trị sẹo một cách hiệu quả nhất, điều đầu tiên phải hiểu về cấu tạo của da, da bị tổn thương ở vùng nào trên khuôn mặt sẽ gây nên sẹo rỗ?
Nhìn chung da cấu tạo cơ bản gồm 3 lớp nhìn từ bên ngoài vào trong:
- Thượng bì: chủ yếu là tế bào biểu mô sừng (keratinocyte) và tế bào sản sinh ra hắc tố (melanocytes) đóng vai trò quan trọng trong tái tạo và bảo vệ tế bào da,
- Trung bì: là phần dày nhất của da, chứa các nguyên bào sợi (sản sinh collagen và elastin), tuyến bã nhờn, nang lông, tuyến mồ hôi,..
- Hạ bì: nơi tập hợp các mô mỡ (đóng vai trò như lá chắn bảo vệ cho làn da khỏi sốc, va đập và điều hòa nhiệt độ), mạch máu, dây thần kinh thụ cảm,..
Sẹo rỗ là một hệ quả phổ biến có thể xảy ra trong quá trình da phục hồi sau mụn, sau các tác động bên ngoài hoặc di chứng để lại sau khi bị thủy đậu và hay xuất hiện trên trán và phần má gần cánh mũi. Thực chất nguyên nhân là do tổ chức nguyên bào sợi trong nang lông tại tầng trung bì của da bị tổn thương nghiêm trọng, các sợi collagen và elastin hay protein là các thành phần có tác dụng tạo nên sự săn chắc, đàn hồi cho da bị đứt gãy và khó sản sinh ra gây mất khả năng lấp đầy, hồi phục so với các vùng da khác trên khuôn mặt.
Có mấy loại sẹo rỗ (lõm)?
Viêm cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của sẹo mụn. Tình trạng viêm nhiễm do mụn trứng cá xâm nhập vào da càng sâu thì càng có nhiều khả năng để lại sẹo khi lành. Đây là một trong những lý do mà điều quan trọng là phải điều trị mụn càng sớm càng tốt, để giảm nguy cơ viêm sâu.
Sự hình thành hình dạng sẹo phụ thuộc vào cơ địa cũng như cách làn da bạn lành lại.
Phân loại theo hình dạng sẹo rỗ
Dựa vào hình dạng, sẹo lõm được chia thành 3 loại chính bao gồm:
Sẹo rỗ chân đá nhọn (Ice pick scar)
Sẹo rỗ chân đá nhọn chủ yếu hình thành do hệ thống cấu trúc mô da bị mất, collagen ở tầng trung bì bị tổn thương và là tàn tích sau những đợt bùng phát mụn nghiêm trọng.
Hình dạng sẹo chân đá nhọn:
- Hình dạng tựa như vật nhọn đâm sâu vào da.
- Vết lõm sâu đường kính không quá 2mm, sâu hơn 0.5mm.
- Sẹo lõm sâu và hẹp, nhiều khi nhìn bên ngoài chỉ giống như một lỗ chân lông bị giãn to.
Sẹo rỗ chân vuông (Boxcar scar)
Sẹo rỗ chân vuông là một loại sẹo hình thành do các tổn thương sau khi mụn trứng cá bị vỡ do nặn mụn sai cách: chưa nặn hết nhân mụn, dụng cụ nặn mụn không đạt tiêu chuẩn,.. dẫn đến vùng mụn bị viêm, tổn thương nặng dần gây phá hủy và đứt gãy các sợi liên kết collagen. Sẹo rỗ chân vuông phổ biến ở những vùng da dày trên khuôn mặt, thường gặp vùng má dưới và quai hàm.
Hình dạng sẹo rỗ chân vuông:
- có cạnh sắc nét và rộng hơn sẹo chân đá nhưng không rộng như sẹo lượn sóng
- chân sẹo có hình tròn hoặc bầu dục
- Những vết sẹo nông có khả năng đáp ứng tốt với điều trị nhưng những vết sẹo sâu sẽ khó loại bỏ hơn.
Sẹo rỗ hình lượn sóng (Rolling Scar)
Sẹo rỗ hình lượn sóng thường hình thành do mụn nang, phần nang đi sâu vào lớp biểu bì gây phá hủy làn da, các sợi collagen ở vùng tiếp giáp giữa thượng bì và trung bì bị tác động, kéo lớp biểu bì xuống sâu dưới bề mặt tạo ra hình lượn sóng trên da.
Sẹo rỗ hình lượn sóng: vết sẹo nông, miệng rộng hơn 4-5mm
- Đôi khi sờ cứng hơn so với bình thường
- Vùng sẹo không di chuyển nhiều khi co kéo
Phân loại theo mức độ sẹo
Dựa theo hệ thống phân loại của Goodman và Baron, có 4 cấp độ sẹo
Cấp độ 1
Sẹo bằng phẳng so với mặt da, da có màu bình thường hoặc có thể tăng / giảm sắc tố so với vùng da lành, bệnh nhân tự nhận thấy vẫn còn sẹo khi tự mình quan sát.
Cấp độ 2
Không quan sát thấy sẹo lõm bằng mắt thường ở khoảng cách lớn hơn 50cm và sẹo có thể được che phủ bởi lớp trang điểm.
Cấp độ 3
Quan sát thấy sẹo lõm bằng mắt thường ở khoảng cách lớn hơn 50cm và vẫn để lộ sẹo dù trang điểm hay che phủ bằng kem nhưng vẫn có thể ẩn đi khi dùng 2 ngón tay căng da. Sẹo tập trung nhiều hai bên má.
Cấp độ 4
Quan sát thấy sẹo lõm bằng mắt thường ở khoảng cách lớn hơn 50cm và vẫn để lộ sẹo dù trang điểm hay che phủ bằng kem và không thể ẩn đi khi dùng 2 ngón tay căng da. Sẹo xuất hiện dày đặc, khiến da trở nên thô ráp, chai sạn.
Quan sát thấy sẹo lõm ở khoảng cách > 50cm và không dễ dàng bị che mờ bởi trang điểm nhưng không thể mất khi làm căng da bằng tay.
Xem thêm: [Chia sẻ] Cách trị sẹo thâm lâu ngày nhanh nhất, hiệu quả nhất hiện nay
Nguyên nhân hình thành sẹo rỗ (lõm)
Như đã nêu ở trên, sẹo rỗ tạo thành khi da bị tổn thương xuống đến lớp trung bì, khiến các sợi elastin và collagen bị đứt gãy làm mất tính đàn hồi. Có 3 nguyên nhân cơ bản gây nên sẹo rỗ:
Sẹo rỗ do mụn
Khi da bị mụn trứng cá nặng dẫn đến xuất hiện các loại mụn như mụn nang, mụn bọc, mụn viêm,.. trong thời gian lâu nhưng không được điều trị đúng cách ( ví dụ như nặn mụn sai cách, đưa tay lên sờ da mặt nhiều, chăm sóc da mặt kém) và kịp thời khiến cho những tình trạng những nốt mụn trở nên nặng hơn gây viêm nhiễm đồng thời phá hủy dần cấu trúc da xung quanh tạo thành những sẹo rỗ trên bề mặt da.
Sẹo rỗ do bị thủy đậu
Thủy đậu được xem là nỗi ám ảnh của bất kỳ ai về cả sức khỏe, tinh thần đặc biệt nhất là làn da. Tổn thương do thủy đậu gây ra ở trên da rất nặng, các nốt mụn nước có thể bị vỡ và lây lan virus sang các vùng khác. Sau khi vết mụn khô nước, dần tróc vảy nếu không được chăm sóc đúng cách, thường xuyên cào, gãi mạnh lên các vết mụn sẽ để lại tàn tích trên da là những vết sẹo rỗ, lõm ảnh hưởng rất lớn tới thẩm mỹ.
Các sẹo rỗ do thủy đậu rộng khoảng 3-7mm, thường không sâu nhưng bề mặt sẹo khá cứng và trơ nên khó tự lành và không dễ chữa khỏi.
- Sẹo rỗ do các nguyên nhân khác
- Chấn thương
- Bỏng
- Mụn nhọt
- Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng,….
Sẹo rỗ (lõm) lâu năm là gì?
Sẹo rỗ lâu năm làm cho da mặt bị sần sùi, mất đi vẻ láng mịn của làn da, không những vậy sẹo rỗ lâu năm còn tạo thành những vùng da bị lõm do lúc này cấu trúc chân sẹo đã ăn sâu và có độ ổn định. Nếu không được chăm sóc kĩ lưỡng thì cùng với vấn đề tuổi tác, khiến cho da mặt trở nên dày và chai cứng và ảnh hưởng đến vấn đề điều trị sẹo sau này.
Sẹo rỗ (lõm) lâu năm có điều trị dứt điểm được không?
Nhiều người băn khoăn đặt ra câu hỏi: “Sẹo rỗ lâu năm có điều trị dứt điểm được không”. Nhưng một sự thật phũ phàng là sẹo rỗ lâu năm rất khó để trị khỏi mà việc điều trị sẹo rỗ chỉ có thể cải thiện và đạt hiệu quả cao nhất lên tới 90%.
Để điều trị sẹo tùy vào độ chai nhiều hay chai ít ngoài ra còn phụ thuộc vào tốc độ tái tạo da của mỗi người. Nhưng nhìn chung sẹo rỗ chân vuông dễ điều trị hơn và có đáp ứng tốt hơn so với sẹo rỗ chân đá nhọn và loại sẹo tưởng như rắc rối nhất là sẹo rỗ hình lượn sóng, lại là loại sẹo khá dễ điều trị và đem lại cải thiện về mặt thẩm mỹ cao nhất.
Cách phòng ngừa sẹo rỗ (lõm) hiệu quả
Bạn không thể ngăn ngừa hoàn toàn sẹo nhưng những cách sau đây có thể làm giảm thiểu nguy cơ hình thành sẹo:
- Kiểm soát bị mụn đúng cách ngay từ khi mụn chớm phát triển giúp hạn chế mụn tối đa và ngăn ngừa mụn phát triển thành dạng nặng hơn.
- Không nên bóp, nặn mụn để tránh tổn thương sâu hơn và da, gây nhiễm trùng và làm tình trạng viêm trầm trọng hơn.
- Các nốt mụn lớn, bị viêm có khả năng để lại sẹo cao hơn nhiều so với mụn không viêm và mụn đầu đen. Mục tiêu của bạn là luôn phải làm dịu tình trạng viêm và tránh làm bất cứ điều gì có thể gây kích ứng da thêm.
- Hạn chế chạm tay vào mặt nhiều nhất có thể.
- Không bôi trực tiếp vitamin E lên vết sẹo.
- Tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc có tính tẩy da quá mạnh.
- Chăm sóc da mặt thường xuyên, sử dụng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, ít xà phòng để tránh bào mòn da.
- Hạn chế tiếp xúc quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, bôi kem chống nắng đầy đủ khi ra ngoài và ngay cả khi ngồi trong phòng
- Thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và luôn giữ cho cơ thể luôn đủ nước.
- Nếu có cơ địa dễ bị sẹo, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để thảo luận về việc điều trị mụn.
Xem thêm: Thuốc trị sẹo Strataderm có tốt không? Review giá bán Webtretho
Cách điều trị hiệu quả sẹo rỗ (lõm)
Thông thường trên một khuôn mặt có sẹo thường sẽ có kết hợp bởi nhiều loại sẹo khác nhau, rất ít người có một loại sẹo. Do vậy, cần phải kết hợp các biện pháp khác nhau để trị sẹo mang đến kết quả tốt nhất. Cùng điểm qua các phương pháp trị sẹo phổ biến trên thị trường hiện nay.
Điều trị bằng các thuốc trị sẹo, kem trị sẹo rỗ (lõm)
Tại nhà, ta có thể sử dụng những sản phẩm dược mỹ phẩm có chứa các thành phần có khả năng tái tạo, khả năng tăng sinh collagen: các phái sinh retinol, vitamin C dạng ascorbic acid; các loại peptide có khả năng tăng sinh và gửi tín hiệu tăng sinh: AHA, glycolic acid, lactic acid,..
Ngoài ra, những thành phần chống oxy hóa cũng rất quan trọng để quá trình tăng sinh trở nên hoàn thiện hơi: Vitamin b3, vitamin C như đã kể trên,..và đặc biệt hơn phải bảo vệ làn da khỏi tia cực tím. Tia cực tím (UV) là một trong những tác nhân gây lão hóa da, khiến da thâm sạm, nám, bẻ gãy các sợi collagen, các sợi elastin nhanh nhất, vì vậy ta phải giữ những thứ mà là da đang có và việc dùng kem chống nắng là một thứ bắt buộc để bảo vệ làn da khỏi các tác nhân bên ngoài.
Sau khi sử dụng các sản phẩm tăng sinh mạnh các sợi collagen đặc biệt như retinol và các acid thường sẽ xảy ra kích ứng, khi đã kích ứng thì có thể gây viêm. Khi bị viêm thì rất có thể làm tình trạng sẹo trở nên tồi tệ hơn nên rất cần những sản phẩm làm dịu da( HA, vitamin B5, rau má..), kháng viêm (tràm trà,…), chống oxy hóa.
Các sản phẩm bôi ngoài da có tác dụng không nhiều trong điều trị sẹo lõm trừ khi bôi sớm khi sẹo mới hình thành, chưa bị chai. Ngay cả khi bạn đi các phòng khám da liễu điều trị sẹo cũng không được bỏ quên quá trình sử dụng sản phẩm chăm sóc da tại nhà. Vì quá trình bôi này rất quan trọng, tạo nên một “nền móng” vững chãi để từ đó những quá trình trị sẹo tại spa hay phòng khám da liễu trở nên hiệu quả hơn và đạt được kết quả tốt nhất.
Điều trị bằng các phương pháp tự nhiên
Cách điều trị bằng các phương pháp tự nhiên được nhiều người áp dụng do độ tiện lợi, nguyên liệu dễ tìm, chi phí thấp và việc sử dụng rất đơn giản. Các nguyên liệu thường được sử dụng gồm: lô hội, bột trà xanh, bột rau má, nghệ tươi, mật ong,.. Nhưng các phương pháp tự nhiên thường không đem lại hiệu quả rõ rệt và gần như không có tác dụng với sẹo lâ năm.
Điều trị sẹo rỗ – sẹo lõm bằng phương pháp lăn kim, phi kim
Chắc hẳn bạn đã từng nghe tới phương pháp lăn kim, vậy lăn kim là gì?
Lăn kim hay Collagen Induction Therapy (CIT) là liệu pháp cảm ứng collagen, kiểm soát quá trình tự phục hồi của da bằng cách tạo ra các tổn thương chính xác bằng các mũi kim siêu nhỏ lăn trên da, tạo ra và kích thích giải phóng các yếu tố tăng trưởng để kích hoạt sản sinh collagen và elastin mới giúp mô da mới phát triển, làm mịn da và giảm sự đổi màu.
Người ta thực hiện những tổn thương giả trên da bằng cách sử dụng con lăn vi kim có khoảng 200 – 600 đầu kim siêu nhỏ tác động lên phần thượng bì giúp các vết thương trên da được sửa chữa tái tạo mà ít làm ảnh hưởng tới mạch máu cũng như vùng da bị tác động.
Ưu điểm của phương pháp lăn kim trị mụn
- Dễ dàng thực hiện
- Dưỡng chất đưa vào da được hấp thu nhanh hơn.
- Giảm các dấu hiệu lão hóa
- Giảm sự xuất hiện của sắc tố
- Khuyến khích và tái tạo collagen và elastin để cải thiện cấu trúc, chức năng và vẻ ngoài tổng thể của da.
Nhược điểm
- Không thể loại bỏ gốc sẹo xơ cứng dưới bề mặt da đặc biệt với sẹo lâu năm
- Phải trải qua một liệu trình dài mới thấy rõ được hiệu quả
- Gây đau đớn, sưng đỏ trong khi điều trị
Lưu ý khi lăn kim
- Không được tái sử dụng kim lăn.
- Không điều trị khi bị các bệnh như: Xơ cứng bì (bệnh mô liên kết), bệnh lý mạch máu collagen, gặp các vấn đề về đông máu, nhiễm các loại vi khuẩn hoặc nấm trên da, tiêm botox trong 2 tuần qua, tiền sử bệnh chàm, vảy nến hay các bệnh da khác,…
Điều trị sẹo rỗ (lõm) bằng phương pháp bắn Laser
Nhờ những tiến bộ gần đây trong y học, laser đang trở thành phương pháp điều trị của bác sĩ da liễu đối với nhiều vết sẹo. Các bác sĩ có thể lựa chọn nhiều loại laser sử dụng các bước sóng ánh sáng khác nhau và tác động lên da theo nhiều cách khác nhau. Có hai loại: tái tạo bề mặt bằng laser erbium và carbon dioxide (CO2). Trong đó laser erbium là phương pháp an toàn nhất cho da, còn carbon dioxide có hiệu quả nhất trong việc điều trị sẹo.
Phương pháp laser carbon dioxide thường được khuyên điều trị, có thể loại bỏ chính xác các lớp da mỏng với mức nhiệt tối thiểu không gây hại cho các cấu trúc xung quanh.
Ưu điểm
- Có thể áp dụng cho nhiều loại da khác nhau: sẹo rỗ, sẹo thâm, sẹo trắng, nám, ..
- Thời gian lành thương nhanh hơn so với các phương pháp điều trị khác
- Không gây xâm lấn
- Nhược điểm: có thể gặp phải các tác dụng phụ, chẳng hạn như: sẹo, sưng tấy, ngứa, chảy máu,..Các tác dụng phụ nhẹ sẽ cải thiện trong vòng vài ngày.
Lưu ý
- Đi khám bác sĩ nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng đỏ hoặc đau dữ dội.
- Tránh ánh nắng trực tiếp trong vòng bốn đến sáu tuần sau khi làm thủ thuật, bôi kem chống nắng
- Chườm túi lạnh hoặc khăn ẩm lên khu vực để giảm sưng.
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn khi cần thiết.
- Rửa sạch và thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày.
- Hạn chế trang điểm trong vài ngày
Điều trị bằng công nghệ PRP
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là sinh phẩm từ máu có lượng tiểu cầu gấp gấp 6-7 lần máu toàn phần, được áp dụng để sửa chữa và tái tạo mô, chữa lành vết thương, kiểm soát sẹo. PRP ngày càng được sử dụng phổ biến trong nhiều loại can thiệp y tế, phẫu thuật và thẩm mỹ.
PRP chứa 17 yếu tố tăng trưởng: IGF, KGF,.., bắt đầu chữa bệnh bằng cách truyền tín hiệu cho các tế bào xung quanh, kích thích hình thành nội mô mạch máu, tăng sinh collagen, nguyên bào sợi giúp chữa lành các mô bị tổn thương, cải thiện da một cách toàn diện. Sự kết hợp giữa tái tạo bề mặt da bằng laser và liệu pháp PRP có thể giúp thu hút các tế bào hắc tố lên bề mặt da để tái tạo sắc tố sẹo giúp sẹo đều màu da so với những vùng xung quanh.
Ưu điểm
- Tăng sinh Hyaluronic Acid (HA), duy trì độ ẩm cho làn da.
- PRP có thể cải thiện chất lượng của sẹo được điều trị bằng laser CO2 và giảm thời gian tác dụng phụ liên quan đến laser bao gồm phù nề và ban đỏ.
- Sử dụng máu tự thân nên rất an toàn, không gây kích ứng, cho kết quả điều trị hiệu quả.
Lưu ý
- Tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Không sử dụng một số sản phẩm nhất định trên da ở vùng đang được điều trị – ví dụ: xà phòng, tẩy tế bào chết, trang điểm và các sản phẩm bôi ngoài da khác.
- Giữ vùng điều trị sạch sẽ bằng cách rửa nhẹ nhàng.
Nên thăm khám các bác sĩ da liễu hoặc những người có chuyên môn để xác định được đúng tình trạng sẹo trên da từ đó đưa ra được những phương pháp phù hợp, giúp bạn cải thiện tình trạng sẹo của mình, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Xem thêm: [2020] Top 8 các thuốc trị sẹo thâm, sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo rỗ và sẹo lâu năm tốt nhất
Trị sẹo rỗ (lõm) giá bao nhiêu?
Cùng một phương pháp điều trị nhưng mỗi cơ sở sẽ có những sự chênh lệch về giá nhiều hay ít, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: tay nghề của bác sĩ điều trị, máy móc trang thiết bị, các dịch vụ đi kèm, số liệu trình cần làm để mang lại hiệu quả …Do đó mức chi phí bài viết đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo.
Chi phí trung bình cho một lần thực hiện trị mụn trên thị trường hiện nay:
- Phương pháp lăn kim dao động từ 1,5-3 triệu đồng
- Phương pháp laser carbon dioxide (CO2) khoảng từ 3-8 triệu đồng
- Điều trị bằng công nghệ PRP có giá khoảng 2-5 triệu đồng.