Hiện nay, bệnh máu nhiễm mỡ được xem là một trong những căn nguyên ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng con người, đặc biệt là với người cao tuổi. Bệnh gây ra những biến chứng nghiêm trọng như cao huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy tim, đột quỵ… Theo thống kê, ở Việt Nam có tới 30% người trưởng thành mắc bệnh, trong đó ở thành thị thì tỷ lệ đó là 44,3%. Tuy nhiên, con số đó ngày càng một gia tăng.
Vậy bệnh mỡ máu là gì, nguyên nhân và triệu chứng ra sao, có điều trị được không và điều trị như thế nào? Bài viết dưới đây Sống khoẻ 24h sẽ giải đáp thắc mắc cũng như cung cấp cho bạn các thông tin chi tiết về bệnh mỡ máu.
Bệnh máu nhiễm mỡ là gì?
Trước khi tìm hiểu về bệnh mỡ máu, bạn phải nắm được về các thành phần mỡ trong máu như sau:
- Cholesterol: cholesterol là một chất béo cần thiết cho cơ thể, nó tham gia vào cấu tạo màng tế bào cũng như quá trình tổng hợp acid mật và hormon.
- Cholesterol tỷ trọng cao ( HDL-C): người ta còn gọi đây là cholesterol tốt vì nó có vai trò vận chuyển LDL từ các mô về gan, rồi thải ra ngoài môi trường.
- Cholesterol tỷ trọng thấp (LDL-C): đây là cholesterol có vai trò vận chuyển cholesterol đến các mô dựa trên việc gắn vào thụ thể (receptor LDL) màng tế bào. Không chỉ vậy, LDL-C còn được coi là cholesterol xấu do khi thiếu hụt các thụ thể thì cholesterol không vào trong tế bào được, nó sẽ lưu hành trong máu và tạo ra các mảng xơ vữa. Đây chính là nguyên nhân chính của bệnh xơ vữa động mạch.
- Triglycerid (TG): là dạng dự trữ chính của lipid ở các tổ chức mỡ dưới da. TG có thể giải phóng ra năng lượng, phục vụ cho nhu cầu hoạt động của cơ thể.
Bệnh mỡ máu (tên tiếng Anh là Dyslipidemia) là sự thay đổi một cách bất thường về nồng độ (mg/dL) các thành phần chất béo trong máu (hay còn gọi là mỡ máu), do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sự thay đổi này thường là tăng các yếu tố xấu như cholesterol toàn phần, triglycerid và LDL-C; đồng thời là sự suy giảm yếu tố tốt là HDL-C
Bệnh thường không cấp tính, diễn biến âm thầm khiến người bệnh khó phát hiện, và lâu ngày sẽ gây ra các biến chứng nặng nề, đặc biệt ở người cao tuổi.
Nguyên nhân mắc bệnh mỡ máu
- Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh mỡ máu là do thói quen sinh hoạt cá nhân:
- Chế độ ăn uống sử dụng nhiều thực phẩm dầu mỡ, đặc biệt là mỡ động vật.
- Hút thuốc lá.
- Uống nhiều bia rượu.
- Ít vận động, bệnh béo phì.
- Căng thẳng, stress kéo dài.
- Bên cạnh đó, yếu tố di truyền cũng là tác nhân quan trọng gây bệnh. Những người có thể trạng bị thiếu hụt hay giảm các enzyme tổng hợp, chuyển hóa lipid sẽ gây ra tình trạng ứ đọng cholesterol, triglycerid,… trong máu.
- Người cao tuổi thường có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn, do giảm chức năng chuyển hóa lipid ở các cơ quan. Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng bệnh mỡ máu đang được trẻ hóa do lối sống thiếu lành mạnh của giới trẻ hiện nay.
- Ngoài ra, bệnh nhân mắc các bệnh lý như đái tháo đường, suy tuyến giáp có thể dẫn đến tình trạng rối loạn mỡ máu.
Triệu chứng của bệnh mỡ máu ra sao?
Bệnh mỡ máu thường không có triệu chứng cụ thể, rõ ràng, làm người bệnh chủ quan, đến khi phát hiện thường đang ở trong giai đoạn nặng nề nên bạn cần chú ý những biểu hiện sau:
- Mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, huyết áp không ổn định.
- Đau cứng, tê bì và lạnh hai bên chân: do bệnh có các mảng xơ vữa có thể làm tắc mạch máu, cản trở dòng máu đến chân, làm giảm cung cấp năng lượng, giảm chuyển hóa ở chân.
- Đau ngực: cơn đau ở ngực chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, thoáng qua, không rõ ràng và có thể tự hồi phục làm người bệnh thường bỏ qua, không chú ý để phát hiện bệnh.
- Đột quỵ: đây là trình trạng nặng nhất của bệnh mỡ máu, các mảnh xơ vữa làm tắc các mạch máu não sẽ xảy ra tình trạng thiếu máu lên não, thiếu oxy cho não, làm cho các tế bào não bắt đầu chết. Nếu không được cấp cứu kịp thời thì người bệnh có thể tử vong.
Các chỉ số chính trong việc xét nghiệm máu
Bệnh mỡ máu thường khó xác định thông qua các triệu chứng nên cách xác định hiệu quả nhất là xét nghiệm máu thông qua các chỉ số mỡ máu dưới đây:
Chỉ số xét nghiệm | Chỉ số bình thường | Chỉ số mức nguy cơ |
Cholesterol toàn phần | <200mg/dL | >240mg/dL |
HDL-C | >60mg/dL | <40mg/dL với nam
<50mg/dL với nữ |
LDL-C | <100mg/dL | 160-189mg/dL |
TG | <200mg/dL | 200-300mg/dL |
Bệnh mỡ máu có thể chữa được không?
Bệnh mỡ máu khó phát hiện và gây ra nhiều biến chứng nặng nề nên mối quan tâm đa phần của mọi người là bệnh có chữa được không. Câu trả lời là bệnh đa phần có thể chữa được. Tuy nhiên, không bác sĩ nào có thể chữa trị hoàn toàn nếu như thành phần các chất mỡ trong máu bạn tăng quá cao (cholesterol, triglycerid, LDL-C) hay giảm quá thấp (HDL-C). Dù vậy, chúng ta có thể kiểm soát nồng độ các chất trên trong một phạm vi nhất định nhờ:
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khống chế lượng mỡ trong thực phẩm.
- Tăng cường rèn luyện cơ thể.
- Sử dụng thuốc thích hợp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bệnh máu nhiễm mỡ sử dụng thuốc gì?
Để điều trị bệnh người ta thường sử dụng các thuốc chứa hoạt chất có tác dụng làm điều hòa các thành phần mỡ máu, giúp nó quay lại mức bình thường như:
- Nhóm statin: các thuốc này có khả năng ức chế enzym tổng hợp cholesterol trong gan, đồng thời tăng khả năng hoạt động của các LDL receptor nên sẽ giảm nồng độ cholesterol xấu là LDL-C trong máu.
- Nhóm niacin: đây là vitamin giúp làm giảm lipoprotein trong gan. Hơn thế, nó làm giảm rõ rệt LDL-C và tăng HDL-C trong máu.
- Các thuốc cholesid (các renin gắn với acid mật): làm tăng quá trình chuyển hóa cholesterol từ gan sang acid mật, giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, đồng thời tăng hoạt động của các LDL receptor.
- Ngoài ra người ta còn có thể sử dụng estrogen để điều trị bệnh đối với phụ nữ độ tuổi mãn kinh.
Khi sử dụng các thuốc trên cần hướng dẫn từ bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt là khi kết hợp liều dùng hoặc khi bệnh nhân đang sử dụng các thuốc khác.
Xem thêm: Thuốc hạ mỡ máu Lipanthyl 200mg: Tác dụng, Liều dùng & Cách dùng
Nên ăn và kiêng những thực phẩm nào khi mắc bệnh máu nhiễm mỡ?
- Những thực phẩm hữu ích mà người mắc bệnh mỡ máu nên sử dụng như:
- Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, các loại quả khô, … để cung cấp cho cơ thể chất xơ, những vitamin cần thiết, đồng thời làm giảm sự hấp thu cholesterol trong ruột, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
- Đặc biệt là các thực phẩm như: hồng hoa (atiso đỏ), giảo cổ lam, xạ đen. Đây là các thực phẩm đã được kiểm chứng là có tác dụng làm điều hòa các thành phần mỡ trong máu, giảm huyết áp, tránh tình trạng gan nhiễm mỡ, xa gan và được chiết xuất tạo thuốc. Bạn có thể ngâm hồng hoa, hay pha trà xạ đen, trà giảo cổ lam để sử dụng với cách làm đơn giản: rửa sạch với nước rồi pha với nước sôi uống.
- Sử dụng dầu ô liu, dầu hướng dương thay vì dầu đậu nành hay mỡ động vật, nó sẽ giúp giảm hàm lượng chất béo chuyển hóa trong thức ăn.
- Bệnh nhân cần nên tránh sử dụng các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ cũng như các chất béo chuyển hóa như:
- Các thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao là thịt đỏ, mỡ động vật, tôm, nội tạng của động vật (tim, gan, ruột,…), chocolate,…
- Các thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa như đồ ăn nhanh: khoai tây chiên, bánh quy, bánh rán,… Ngày nay, công nghiệp ngày càng phát triển, thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ rất được giới trẻ ưa chuộng, và đây chính là một trong những tác nhân chính gây ra tình trạng trẻ hóa của bệnh mỡ máu.
Bệnh mỡ máu có thể chữa khỏi mà không dùng thuốc không?
Hiện nay, tình trạng kháng thuốc ở người bệnh ngày một tăng cao, đặc biệt là các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, một số người có cơ địa dị ứng với một vài thành phần của thuốc hoặc đang sử dụng các thuốc khác, lo ngại tác dụng phụ thì có thể sử dụng các biện pháp sau để chữa bệnh:
- Sử dụng chế độ ăn hợp lý cho người bệnh với việc tăng cường các thực phẩm dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe và giảm các thực phẩm có hại.
- Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao theo sự hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất. Việc này sẽ không khiến bạn mất quá nhiều thời gian, đôi khi chỉ đơn giản là việc đi bộ, đi bơi hay chơi một môn thể thao vào sáng hoặc chiều muộn.
- Duy trì cân nặng một cách hợp lý. Bạn có thể dựa vào chỉ số BMI ( body mass index):
Chỉ số BMI = Cân nặng / ( Chiều cao ^2)
Trong đó, đơn vị của cân nặng là kg, chiều cao là mét.
Chỉ số BMI cho người vừa cân là từ 18,5- 24,9. Theo dõi chỉ số BMI của bản thân sẽ giúp bạn phát hiện, ngăn chặn tình trạng thừa cân, béo phì một cách tự giác và kịp thời, đồng thời thực hiện dễ dàng.
- Tránh các thói quen không lành mạnh như hút thuốc, uống nhiều rượu bia do ngoài gây ra bệnh mỡ máu, nó còn gây nên các bệnh lý như cao huyết áp, nguy cơ loét dạ dày, bệnh đường máu ( đái tháo đường).
- Giữ lối sống lành mạnh, vui khỏe; tránh lo âu, mệt mỏi, stress. Để làm được điều đó, bạn cần có lịch trình làm việc kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý, tham gia vào các hoạt động tập thể như hội thao trong địa phương, gặp gỡ bạn bè….
Bệnh máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ có liên quan gì đến nhau?
Nếu đã nhắc đến bệnh mỡ máu thì hẳn bạn sẽ nghe đến gan nhiễm mỡ vì đa phần bệnh nhân mắc bệnh mỡ máu lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ. Do gan là bộ máy xử lý các chất độc hại của cơ thể, trong đó có máu nên nếu tình trạng mỡ máu tăng cao thì gan sẽ phải tăng cường xử lý các chất mỡ ứ đọng, gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, gan nhiễm mỡ với bệnh mỡ máu có cùng một số căn nguyên gây bệnh như uống nhiều rượu bia, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, béo phì hay do bệnh lý nền như đái tháo đường nên sẽ có thể gây nên tình trạng mắc đồng thời cả hai bệnh. Dù vậy, do gan có khả năng tự phục hồi cao nên bệnh sẽ khỏi hẳn khi bệnh nhân được điều trị hợp lý nhờ sử dụng thuốc, hạn chế uống rượu bia hay thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.
Xem thêm: Gan nhiễm mỡ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị, nên ăn gì và kiêng gì?
Kết luận
- Bệnh máu nhiễm mỡ khó xác định nên bạn cần khám sức khỏe, xét nghiệm máu định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, tránh bệnh diễn biến xấu, nặng nề, gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bạn và người thân xung quanh.
- Hy vọng rằng, bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về bệnh mỡ máu từ khái niệm, nguyên nhân, xét nghiệm và cách điều trị. Cảm ơn bạn đã đón đọc, mọi góp ý cũng như thắc mắc về bệnh bạn có thể gửi về Sống khoẻ 24h
Nguồn tham khảo
1 Hyperlipidemia
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559182/
2 Hypercholesterolemia