Hiện nay, nhiều trẻ em sinh ra có kích thước đầu lớn hơn bình thường. Các bậc phụ huynh lo lắng mà không biết con mình bị mắc bệnh gì. Trong trường hợp này, đây có thể là dấu hiệu của bệnh não úng thủy. Vậy bệnh não úng thủy là bệnh như thế nào, bệnh có nguy hiểm không, có điều trị được không?
Trong bài viết này, Sống khỏe 24h sẽ cùng bạn trả lời các câu hỏi trên.
Não úng thủy là bệnh gì?
Não úng thủy còn có tên khoa học là hydrocephalus, trong đó hiđro có nghĩa là nước còn cephalus mang nghĩa là não, do đó khi ghép lại có nghĩa là bệnh đầu nước. Sở dĩ người ta gọi như vậy là do trong não xảy ra tình trạng tích tụ quá nhiều dịch não tủy.
Dịch não tủy đảm nhận vai trò quan trọng trong não bộ, trong đó chức năng chủ yếu của nó có thể kể đến là:
- Giảm tác động từ các sang chấn từ bên ngoài lên não, cung cấp chất dinh dưỡng cho não và loại bỏ chất thải ở trong não.
- Điều chỉnh áp lực ở bên trong sọ não.
- Làm chất đệm giữa não và tủy sống với xương cứng bên ngoài.
- Ngăn cản các độc tố không thể lọt vào hệ thần kinh.
Trong não dịch não tủy được sinh ra bởi những đám rối mạch mạc, sau đó được hấp thu ( bới Pacchioni), tồn tại, lưu hành và tuần hoàn với một thể tích nhất định.
Theo nghiên cứu, thể tích dịch não tủy ở trẻ em là 50ml, trong khi đó ở người lớn là 150ml. Khi một có yếu tố nào đó tác động sẽ làm cho các đám rối mạch mạc tiết quá nhiều dịch não tủy vượt quá khả năng hấp thu nó của Pacchioni, từ đó gây tích tụ quá nhiều dịch não tủy, dẫn đến căn bệnh não úng thủy.
Đối tượng bị não úng thủy
Bệnhcó thể gặp ở nhiều lứa tuổi trong đó ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ mắc bệnh này là 1:500 thai kỳ. Con số này không phải là nhỏ, do đó nó được coi là bệnh lý nghiêm trọng nhất ở trẻ nhỏ. Ngoài ra bệnh còn gặp nhiều ở những người già trên 60 tuổi. Thường những bệnh nhân này thường dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh mất trí nhớ khác như Alzheimer,…
Nguyên nhân gây bệnh não úng thủy
Nguyên nhân bị bệnh ở trẻ em
Ở trẻ em có 2 giai đoạn có thể mắc não úng thủy, có thể là những biến đổi trong giai đoạn bào thai dẫn đến trẻ bị bẩm sinh, hoặc có thể là não úng thủy sau sinh.
Não úng thủy bẩm sinh
Xuất hiện khi trẻ còn nằm trong các bào thai với những bất thường khác nhau:
- Giãn não thất: Não thất có kích thước lớn hơn bình thường, từ đó dòng chảy dịch não tủy bị rối loạn.
- Hẹp cống não: Việc hẹp cống não bị cản trở gây ứ đọng dịch não tủy.
- Nang màng nhện:Trong các nang màng nhện chứa dịch não tủy, khi gặp bất thường ở các nang này làm thay đổi áp lực của dịch não tủy.
- Nứt đốt sống: Đây là một khuyết tật trong ống thần kinh, trong đó nguyên nhân này có yếu tố di truyền.
- Trường hợp có thể do mẹ bị nhiễm trùng trong thai kỳ cũng có khả năng gây ra bệnh não úng thủy cho trẻ nhỏ.
Não úng thủy xuất hiện sau khi trẻ ra đời
Một số trẻ trong thai kỳ hoàn toàn bình thường nhưng sau khi ra đời lại được chẩn đoán bị bệnh não úng thủy. Nguyên nhân gây nên trường hợp này có thể là trong những lí do sau đây:
- Xuất huyết trong não: Khi trong não có hiện tượng chảy máu trong, dù bất kỳ vì lí do nào cũng khiến bệnh nhân mắc não úng thủy. Máu vỡ ra từ mạch máu sau đó sẽ di chuyển vào trong não thất, từ đó gây tăng áp suất dịch não thất.
- Chấn thương vùng đầu
- Nhiễm trùng hệ thần kinh
- Hấp thu dịch não tủy kém
Nguyên nhân gây bệnh ở người lớn
Đối với người lớn thì nguyên nhân gây nên bệnh cũng tương tự như não úng thủy ở trẻ em sau sinh, do các chấn thương vùng đầu gây xuất huyết não, u não, u màng não, nhiễm trùng hệ thần kinh,…
Triệu chứng của bệnh não úng thủy
Tùy vào từng mức độ tổn thương và độ tuổi của bệnh nhân mà triệu chứng của não úng thủy cũng khác nhau.
Đối với trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh, bệnh biểu hiện bởi những triệu chứng sau
- Vòng đầu của trẻ có kích thước lớn hơn bình thường.
- Mảng thóp trước và thóp sau của trẻ phồng, ấn vào cảm thấy căng.
- Da đầu mỏng.
- Các xương hộp sọ tách nhau ra, đường gian khớp rộng.
- Da đầu mỏng, nhìn thấy rõ những mạch máu nổi dưới da đầu.
- Trẻ có biểu hiện bỏ bú, nôn mửa.
- Co giật, dễ bị kích động.
- Chân tay của trẻ không được linh hoạt.
Đối với trẻ em
Đối với những trẻ em mắc bệnh sau khi sinh thì có những biểu hiện như:
- Vòng đầu của bé cũng to bất thường.
- Luôn cảm thấy đau đầu
- Rối loạn tiêu hóa như chán ăn, buồn nôn và nôn mửa.
- Mờ mắt, nhìn đôi.
- Co giật, dễ bị kích thích hoặc có tính cách thay đổi.
- Không được tỉnh táo, luôn ở trạng thái buồn ngủ, khó có được tập trung.
- Đi lại, nói chuyện và thao tác không được nhanh nhẹn và chậm chạp.
Đối với người lớn
Đối với những người thuộc độ tuổi trẻ hoặc những người có độ tuổi trung niên, người lớn tuổi:
- Đau đầu, buồn nôn, nôn mửa.
- Không tập trung, tỉnh táo.
- Không giữ được thăng bằng, khả năng phối hợp động tác giảm sút.
- Rối loạn tiểu tiện và đại tiện.
- Thị lực suy giảm, mắt có triệu chứng mờ hoặc nhìn nước đôi.
Cách chẩn đoán bệnh
Những triệu chứng lâm sàng kể trên có thể dễ bị chẩn đoán nhầm với những bệnh thần kinh khác, do đó ngoài thăm khám lâm sàng thì bác sĩ cần phối hợp với những yếu tố sau để đưa ra kết luận chính xác nhất.
- Đối với trẻ em, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ phát triển thể chất của trẻ.
- Đo chu vi vòng đầu
- Khám mắt
- Đánh giá chức năng vận động và khả năng giữ thăng bằng.
- Đánh giá khả năng trương lực cơ, cơ lực và độ yếu liệt.
Bệnh nhân sẽ được thực hiện những xét nghiệm và chiếu chụp như:
- Siêu âm qua thóp ở trẻ
- Chup CT sọ não
- MRI sọ não.
Điều trị não úng thủy: Não úng thủy có chữa khỏi được không?
Bệnh não úng thủy không thể điều trị bằng thuốc được mà cần phải có sự can thiệp ngoại khoa. Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng bệnh não úng thủy liệu có được chữa khỏi không, câu trả lời là có nếu bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời. Các phương pháp ngoại khoa hay được sử dụng đó là:
- Dựa theo nguyên nhân gây bệnh, nếu là do u não, u hố sọ sau thì có thể can thiệp bằng phẫu thuật cắt bỏ những khối u đó.
- Nếu nguyên nhân là do tắc nghẽn làm ứ đọng dịch não tủy thì cách giải quyết đó là đặt một ống shunt. Mục đích của phương pháp này dùng để đưa dịch não tủy đến các khoang khác trong cơ thể như khoang ổ bụng. Khi đưa dịch não tủy ra ngoài, tại đó nó sẽ được hấp thụ quay trở lại tuần hoàn.
Tuy nhiên việc đặt ống có thể dẫn đến nhiều rủi ro như nhiễm trùng, tắc nghẽn ống. Do đó sau khi trẻ được đặt ống, nếu có những dấu hiệu bất thường thì cần đưa trẻ quay trở lại bệnh viện ngay để được các bác sĩ cấp cứu kịp thời, tránh những biến chứng nặng nề hơn.
- Phương pháp có thể thay thế việc đặt ống shunt đó là nội soi phá sàn não thất ba. Kỹ thuật này có thể làm lưu thông dịch não tủy, xử lý tình trạng dịch não tủy bị dồn ứ và tắc trong não.
Sau khi sử dụng các phương pháp ngoại khoa để điều trị thì việc phục hồi chức năng sau điều trị cũng là một việc làm cần thiết. Nếu sau phẫu thuật, bệnh nhân có xảy ra bất cứ vấn đề nào về thần kinh sẽ được thực hiện quá trình phục hồi chức năng. Tuy nhiên, việc phục hồi chức năng không thể khiến bệnh nhân trở nên bình thường như trước được, hơn nữa đây là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên nhẫn từ bệnh nhân.
Đường truyền bệnh não úng thủy
Não úng thủy là căn bệnh không lây từ người sang người. Do đó những người tiếp xúc với bệnh nhân không cần phải quá lo lắng rằng mình sẽ bị bệnh. Tuy nhiên trong một số nguyên nhân thì não úng thủy có thể mang tính chất di truyền, nhưng tỉ lệ này chiếm rất nhỏ.
Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh?
Não úng thủy là bệnh lý mang tính dị tật bẩm sinh và thuộc về thần kinh. Những nguy cơ có thể gây ra bệnh não úng thủy ở trẻ sơ sinh:
- Trong giai đoạn mang thai, thai nhi không được chăm sóc tiền sản tốt, đặc biệt là trong thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ.
- Hiện tượng đa thai dẫn đến việc chèn ép giữa các thai.
- Thai phụ mắc phải các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp mạn tính, tăng huyết áp thai kỳ.
- Việc sử dụng các chất kích thích trong quá trình mang thai cũng có thể dẫn đến biến chứng não úng thủy.
- Do di truyền, trong gia đình có người mắc não úng thủy.
Phòng ngừa bệnh não úng thủy
Không có một biện pháp cụ thể nào có thể phòng ngừa bệnh não úng thủy, tuy nhiên có một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc phải, có thể kể ra như:
- Khám thai đúng định kỳ, thực hiện đầy đủ những xét nghiệm để bác sĩ có thể chẩn đoán thai nhi có bị não úng thủy không. Nếu phát hiện bé mắc bệnh sớm, có thể can thiệp sớm trong việc điều trị giảm thiểu nguy cơ biến chứng của bệnh.
- Tiêm vaccin tiêm phòng đầy đủ, tăng cường đầy đủ miễn dịch cho thai phụ.
- Trong quá trình trông nom bé, tránh để bé va chạm mạnh ở vùng đầu, không để bé gặp những chấn thương không đáng có, từ đó gây tắc nghẽn dịch não tủy và gây ra bệnh.
- Không chơi những trò mạo hiểm có thể gây chấn thương cho trẻ như tung trẻ lên cao.
- Cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng, tăng cường khả năng miễn dịch của bé.
- Nếu phát hiện bé có những biểu hiện như kích thước vùng đầu to bất thường, co giật, quấy khóc, dễ bị kích thích,.. cần đưa bé đến trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám.
- Ở người lớn, nếu có bất kì những biểu hiện bất thường gì về thần kinh thì cần được đi thăm khám và điều trị sớm nhất có thể, ví nó có thể là biến chứng của các bệnh lý nặng như u não, nhiễm trùng hệ thần kinh,…
Như vậy, bài viết này chúng tôi đã cung cấp đầy đủ cho các bạn những thông tin liên quan đến căn bệnh não úng thủy hay gặp ở trẻ em. Hy vọng bài viết có thể giúp ích được cho bạn.
Nguồn tham khảo: Neonatal meningitis: a multicenter study in Lima, Peru