Phụ nữ sau sinh nên ăn gì và kiêng gì? Các món ăn, hoa quả nên dùng

Sau sinh, sức khoẻ người phụ nữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vậy làm thế nào để mẹ sau sinh có thể hồi phục được sức khoẻ một cách nhanh và an toàn nhất. Điều đó phụ thuộc vào chế độ ăn, chế độ luyện tập của người mẹ. vậy phụ nữ sau sinh nên ăn gì và kiêng gì? Nên luyện tập như thế nào để nhanh chóng hồi phục sức khoẻ sau khi trải qua quá trình vượt cạn thành công, Và có đủ sữa đảm bảo đầy đủ các dưỡng chất cần thiết khi cho trẻ bú.

Bài viết hôm nay của Sống Khoẻ 24h sẽ giúp các bạn trả lời một cách đầy đủ nhất những thắc mắc trên và cung cấp những kiến thức mang tính khoa học và hữu ích cho mẹ sau sinh.

Kiêng cữ cho phụ nữ sau sinh là gì?

Chào đón một thiên thần nhỏ là điều khiến cho mọi gia đình đều mong chờ, cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ đón nhận. Sau giai đoạn 9 tháng 10 ngày mang thai vất vả là lúc người phụ nữ được hưởng niềm hạnh phúc to lớn khi có thể ôm con vào lòng nhưng cũng là lúc mà họ không chỉ phải đối diện với rất nhiều áp lực, stress từ cuộc sống, gia đình mà còn cả những vất vả từ quá trình chăm sóc em bé, đôi khi còn phải thức thâu đêm suốt ngày. Vì vậy sau sinh, phụ nữ càng phải được chăm sóc cẩn thận và chu đáo hơn. Trong giai đoạn này, các sản phụ phải thực hiện chế độ kiêng khem đầy đủ như kiêng gió, kiêng lạnh hay kiêng một số thực phẩm,… để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và cả bé sau sinh.

Tại sao phụ nữ sau sinh cần kiêng cữ? Phụ nữ sau sinh cần kiêng ăn gì? Kiêng cữ sau sinh một cách khoa học là như thế nào? Bà đẻ nên kiêng ăn gì để tránh mất sữa? Sau sinh nên ăn gì để nhiều sữa cho con bú?… và rất nhiều câu hỏi khác về vấn đề kiêng cữ trong ăn uống sau sinh mà các mẹ cùng gia đình sản phụ đặt ra, mong được giải đáp và hiểu rõ hơn để có chế độ chăm sóc phù hợp nhất, đảm bảo sức khoẻ của mẹ và bé hiện tại cũng như về sau.

Tại sao phụ nữ sau sinh cần thực hiện chế độ kiêng cữ?

Tại sao phụ nữ sau sinh cần thực hiện chế độ kiêng cữ?
Tại sao phụ nữ sau sinh cần thực hiện chế độ kiêng cữ?

Kiêng cữ sau sinh không phải ở xã hội hiện đại này mới bắt đầu xuất hiện mà nó đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Từ những thế hệ trước, các bà, các mẹ đã truyền tai nhau về việc sau sinh phụ nữ phải kiêng cữ những gì, như thế nào? Và điều này cũng đã được chứng minh lợi ích qua bao thế hệ và những lý giải khoa học cụ thể, những phụ nữ sau sinh thực hiện chế độ kiêng cữ đầy đủ sẽ ít mắc các bệnh sau sinh và kể cả các bệnh khi về già như tê bì chân tay, run tay,… Mẹ khoẻ mạnh cũng là một phần quan trọng giúp bé khoẻ mạnh và phát triển toàn diện hơn. 

Trong cuộc sống hiện đại, mỗi người đều lao vào vòng xoáy cuộc sống, công việc, bận bịu. Có một số mẹ sau sinh chỉ được một khoảng thời gian ngắn, thậm chí là chỉ sau một vài ngày sinh em bé mà đã phải đi làm, cũng chả thể thực hiện đầy đủ chế độ kiêng cữ. Một số khác tự thấy mình hoàn toàn khoẻ mạnh mà, nhất là những trường hợp sinh mổ, không bị mất sức do quá trình chuyển dạ nên cơ thể cũng sẽ bớt bị suy nhược, bớt yếu hơn so với sinh bình thường. Vậy tại sao lại phải kiêng cữ theo những thủ tục rườm rà ấy, cho là những điều kiêng kị của người xưa là cổ hủ, là không cần thiết… Chính tâm lý chủ quan này sẽ có thể khiến bạn phải “trả giá đắt” về sau.

Đúng là trong thời kỳ hiện nay, các thủ tục kiêng cữ ấy là quá khắt khe, một số đã không còn phù hợp lắm. Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên tắc mà chị em nhất định phải thực hiện để tránh được những biến chứng gây hại có thể xảy ra sau sinh nở.

Các mẹ không bắt buộc phải kiêng kị giống như quan niệm của các thế hệ đi trước do ở mỗi điều kiện khác nhau, cách sống sẽ khác nhau và có một số quan niệm xưa không còn phù hợp nữa. Việc kiêng cữ của các mẹ sau sinh giờ đã đơn giản hơn xưa rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian kiêng cữ của các mẹ vẫn nên kéo dài ít nhất 30 ngày để đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho mẹ và bé.

Chúng mang lại cho mẹ rất nhiều lợi ích như:

  • Giúp chị em phục hồi sức lực, được nghỉ ngơi và bồi dưỡng đầy đủ sau chuỗi ngày mang thai suốt 9 tháng 10 ngày và mất sức sau sinh.
  • Kiêng cữ đầy đủ trong ít nhất 1 tháng sau sinh giúp các mẹ phục hồi cơ thể nhanh hơn và cũng khoẻ mạnh hơn.
  • Đặc biệt với các trường hợp sinh thường, mẹ phải chịu đựng nhiều đau đớn liên tiếp trong quá trình chuyển dạ, mất máu hay bị rạch tầng sinh môn,… nên cần kiêng cữ và có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý là hoàn toàn phù hợp.
  • Đối với các mẹ sinh mổ, mẹ có thể bị mất nhiều máu trong quá trình phẫu thuật kéo dài nên, vết mổ lớn khiến cho các mẹ khó có thể thực hiện các động tác như thường ngày đồng thời cũng cần hạn chế những tác động xấu đến khả năng phục hồi vết mổ. Do vậy, đây cũng là thời gian để tình dưỡng, hồi phục vết thương sau mổ cho phụ nữ sau sịnh.
  • Kiêng cữ thường kéo dài trong khoảng 1 tháng, là thời gian mẹ sau sinh được chăm sóc với những chế độ chăm sóc đặc biệt, bổ sung chế độ ăn giàu dinh dưỡng và các chất cần thiết, bù lại phần còn thiếu sót của cơ thể.
  • Kiêng gió, kiêng nước lạnh,… sau sinh cũng là một trong những yếu tố giúp mẹ tránh được một số bệnh tuổi già như đau nhức xương khớp, tê bì chân tay,…
  • Các hành động như chườm và vệ sinh vùng kín, kiêng quan hệ tình dục là một trong những điều cực kì cần thiết với các bà mẹ sau sinh, giúp cơ quan sinh dục cũng như vết mổ của mẹ được hồi phục cả trong lẫn ngoài, đảm bảo an toàn, tránh tình trạng viêm nhiễm phụ khoa, tổn thương vết mổ, đảm bảo sức khoẻ sinh sản về sau.
  • Sau khi sinh em bé xong, lượng sản dịch trong cơ thể người mẹ vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn nên vẫn có thể tiết ra đều đặn, gây bất tiện cho sản phụ trong các hoạt động thường ngày, nếu không thận trọng có thể gây ra những viêm nhiễm, biến chứng nguy hiểm sau sinh như nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu,…
  • Chế độ ăn uống của mẹ sau sinh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến số lượng và chất lượng sữa tiết ra. Do vậy các mẹ cũng cần chú ý đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và những kiêng kị cần thiết sau khi sinh vì giai đoạn đầu đời, sữa mẹ rất quan trọng với sự phát triển của bé.
  • Thời gian ở cữ, nhận được sự chăm sóc, yêu thương, quan tâm từ chồng và người thân giúp cho sản phụ cảm thấy thoải mái hơn. Sự chia sẻ, cảm thông của chồng cũng là động lực giúp vợ vượt qua mọi khó khăn, vực dậy tinh thần đồng thời giúp cho tình cảm gia đình được gắn kết, đậm sâu hơn.

Các mẹ nên thực hiện chế độ kiêng cữ sau sinh càng đầy đủ càng tốt. Nhưng trong một số trường hợp, tuỳ vào điều kiện gia đình và sức khoẻ bản thân mà mẹ có thể kiêng cữ một cách có chọn lọc, có thể giảm bớt một số điều, không quá phức tạp như trước đây nhưng vẫn phải đảm bảo được những tiêu chí cần thiết để đảm bảo sức khoẻ của cả mẹ và bé.

Xem thêm: [MỚI NHẤT] Bà đẻ nên ăn gì để mát sữa, con nhanh tăng cân?

Phụ nữ sau sinh nên kiêng ăn gì?

Kiêng cữ trong ăn uống là một trong những điều mà các mẹ sau sinh cần làm. Tuy nhiên, kiêng ở đây không phải là không được ăn hay uống bất cứ một thứ gì mà chỉ là nên tránh một số đồ ăn, thức uống không tốt cho sản phụ hay gây ảnh hưởng đến em bé. Việc kiêng khem quá mức cũng không hề mang đến ích lợi mà có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể mẹ và chất lượng sữa, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến em bé.

Thực tế, ngay sau sinh thường khoảng 2 – 4 giờ sản phụ sẽ có thể được ăn một bữa cơm dinh dưỡng ngay để bổ sung dưỡng chất, phục hồi thể lực. Cần lưu ý bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, các đồ ăn cho bà đẻ phải đảm bảo được nấu chín và ăn khi còn nóng. Trong quá trình chăm sóc sản phụ, bạn cũng có thể chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để dễ hấp thu, giảm cảm giác chán ngấy, cung cấp dinh dưỡng đa dạng hàng ngày với đầy đủ các nhóm chất cơ bản như chất bột, đường, protein, chất béo cùng với vitamin và khoáng chất. Và sau mỗi bữa ăn, các mẹ cũng có thể tráng miệng với các loại trái cây tốt cho sức khoẻ và lành tính như chuối, đu đủ, vú sữa,… vừa giúp cho sản phụ cảm thấy ngon miệng hơn vừa bổ sung thêm một lượng lớn vitamin cần thiết cho cơ thể, làm đẹp da và cải thiện sức khoẻ sau sinh.

Từ kinh nghiệm của người xưa và các nghiên cứu hiện đại, các chuyên gia đưa ra lời khuyên cho các sản phụ sau sinh nên tránh một số sản phẩm sau đây trong những tháng đầu sau sinh, đặc biệt khi mà nguồn cung cấp dinh dưỡng của trẻ vẫn chủ yếu phụ thuộc và sữa mẹ:

  • Hạn chế tối đa những đồ ăn, thực phẩm dễ gây tình trạng khó tiêu hay gây đầy bụng như những đồ cay, gây nóng trong, đồ ăn chiên rán, fast food, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hoa quả khi còn xanh, đồ ngọt, các loại nước uống có ga như soda, pepsi, coca,… Bởi sau khi lấy thai nhi ra khỏi cơ thể người mẹ, sự thay đổi bất thường tại khoang bụng sẽ dễ gây kích ứng ruột và các cơ quan xung quanh khiến cho hoạt động chức năng của ruột và dạ dày đều bị suy giảm gây ra khó tiêu, chậm tiêu. Vì vậy, những thực phẩm này nếu dùng cho sản phụ sẽ càng làm trầm trọng hơn tình trạng trướng bụng, táo bón ở mẹ, gây ra cảm giác đau, khó chịu hơn.
  • Các sản phẩm, đồ ăn mang tính hàn cao như hải sản, thịt trâu, ốc, rau đay, cá, tôm,… cũng cần được tránh vì cơ thể mẹ dễ bị lạnh sau sinh. Nếu bổ sung thêm những đồ ăn có tính hàn sẽ dẫn đến tình trạng tụ huyết, gây tắc một số mạch máu nhỏ của sản phụ, ảnh hưởng chức năng các cơ quan. Hơn nữa, với những sản phụ sinh mổ, tình trạng tụ máu còn có thể gây kéo dài thời gian phục hồi vết mổ sau phẫu thuật.
  • Các đồ ăn chua (như xoài, nhót, sấu, khế,…) không được khuyến cáo trong giai đoạn này vì dễ gây xót ruột.
  • Một số loại cải sẽ có thể gây ra tình trạng tiểu són ở bà mẹ sau sinh như cải bẹ xanh hay cải đắng.
  • Các thực phẩm như lòng trắng trứng, rau muống, xôi hay các đồ nếp khác thường gây ảnh hưởng đến các tổn thương trong cơ thể, tăng tạo mủ, viêm tại các vị trí vết thương, tăng khả năng nhiễm trùng vết mổ, chậm liền sẹo, dễ gây ra tình trạng sẹo lồi,… Do đó, các mẹ hãy tuyệt đối tránh những sản phẩm này nhé!
  • Vết thương sau khi lành lại có thể trở thành sẹo lõm nếu chế độ ăn của bạn thường xuyên có có những loại thực phẩm màu đen như đỗ đen, vừng đen,…
  • Tránh ăn thịt gà do trong giai đoạn vết thương còn chưa lành hẳn, mới chỉ nên da non thì thịt gà sẽ khiến cho vùng da quanh vết thương bị ngứa ngáy, khó chịu.
  • Dù được biết thịt bò bổ sung rất nhiều dưỡng chất nhưng mẹ sau sinh mổ cũng cần kiêng loại thực phẩm này vì nếu như sản phụ ăn thịt bò, đặc biệt là phần da sẽ khiến xáo trộn trật tự và cấu trúc của các bó Collagen, làm cho vết mổ sau khi lành lại sẽ trở nên rất xấu xí.
  • Hạn chế đồ cay nóng như những thực phẩm có chứa nhiều ớt hay hạt tiêu,…
  • Đảm bảo đồ ăn được nấu chín, tránh ăn các loại gỏi, đồ tái, sống hay rau sống.
  • Các đồ ăn dễ gây tình trạng dị ứng như hạt điều, hạnh nhân, quả óc chó, tôm,… cũng được khuyến cáo không nên dùng cho phụ nữ sau khi sinh do gây khó chịu, đặc biệt là những vùng đang bị tổn thương như âm đạo, tử cung, bụng,… Nếu muốn ăn tôm bạn cần bóc vỏ và chỉ nên ăn với một lượng ít để tránh các kích ứng, dị ứng trên cơ thể.
  • Cũng như các bệnh nhân có bệnh lý trên tim mạch, huyết áp, phụ nữ sau sinh nếu có tình trạng này cũng cần kiêng một số đồ ăn mặn, giảm lượng muối trong thực đơn hàng ngày và chế độ ăn nhạt cũng giúp các mẹ tránh được bệnh tê bì chân tay trong giai đoạn này.
  • Tuyệt đối các mẹ không được uống các đồ uống có cồn như rượu, bia. Do các đồ uống có cồn sẽ ảnh hưởng đến lượng sữa của mẹ. Mẹ uống rượu bia càng nhiều thì lượng sữa tiết ra sẽ càng giảm đồng thời chất lượng sữa cũng sẽ không được tốt. Chúng có thể được hấp thu và có trong thành phần của sữa mẹ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần của trẻ, khiến trẻ phải cai sữa từ sớm, cơ thể suy nhược, yếu ớt, tinh thần của trẻ cũng sẽ không được ổn định so với bình thường. Hơn nữa, rượu bia cũng gây kéo dài thời gian hồi phục những tổn thương của mẹ, dễ dẫn đến tình trạng tăng huyết áp..
  • Tránh tối đa các sản phẩm chứa chất kích thích như cà phê, thuốc lá, trà. Trà và cà phê dễ gây ra tình trạng mất ngủ ở mẹ. Cả ngày chăm sóc em bé mệt mỏi lại phải thức cả đêm nữa sẽ khiến cho sức khoẻ của mẹ suy sụp, yếu đi rất nhiều, tâm trạng cũng sẽ không được tốt. Vì vậy, các mẹ sau sinh nếu muốn sử dụng những loại đồ uống này thì chỉ nên uống một cốc nhỏ cà phê hay chè mỗi ngày đồng thời tránh uống vào thời điểm gần với giờ đi ngủ, tốt nhất nên uống vào buổi sáng.

Bên cạnh những đồ ăn, đồ uống hàng ngày, các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyên mẹ sau sinh không nên sử dụng thuốc bừa bãi vì chúng có thể được tiết ra cùng với sữa mẹ, gây ảnh hưởng rất lớn đến trẻ bú mẹ. Bởi giai đoạn đầu đời các cơ quan của trẻ vẫn chưa thể hoàn thiện đầy đủ, cơ thể yếu, sức đề kháng chưa đủ tốt để chống lại những yếu tố gây bệnh. Nồng độ thuốc trong máu của em bé được duy trì hằng định cũng dễ dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc, đặc biệt là các kháng sinh. Một số loại thuốc cần lưu ý khi sử dụng cho mẹ mới sinh:

  • Các thuốc kháng sinh nhóm macrolid (erythromycin, azithromycin,…), lincomycin, cloramphenicol,…. Bởi chúng có khả năng vào trong sữa mẹ, trẻ bú mẹ cũng sẽ hấp thu lượng kháng sinh này. Ví dụ tetracyclin gây ảnh hưởng đến xương của trẻ, Cotrimoxazol hay Chloramphenicol có nguy cơ gây hội chứng xanh xám, hội chứng layer đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ,…
  • Các thuốc trị mụn có thành phần corticoid (amcinonide, betamethasone hay dipropionate,…) với hàm lượng cao.
  • Các sản phẩm gây kích thích hoạt động của hormon. Ví dụ mẹ dùng các thuốc cường giáp có thể khiến con cũng hấp thu các hoạt chất này vào cơ thể, kích thích sản sinh và các hoạt động của các hormon tuyến giáp, gây rối loạn trong cơ thể trẻ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, các hoạt động thường ngày của em bé.
  • Mẹ dùng các thuốc gây ngủ, giảm đau trong thời kì đang cho trẻ bú cũng gây ảnh hưởng đến bé, có thể ngủ li bì,… 

Vì vậy, trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để không chỉ đảm bảo sức khoẻ cho mẹ sau sinh mà còn hạn chế được những tác động có hại đến em bé.

Xem thêm: Những điều cần biết khi sinh mổ, thực đơn cho bà đẻ mổ

Phụ nữ sau sinh nên ăn gì?

Phụ nữ sau sinh nên ăn gì và kiêng ăn hoa quả hay thực phẩm gì?
Phụ nữ sau sinh nên ăn các thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khoẻ

Trong thời kì mang thai cũng như thời kì đầu sau sinh, mẹ phải kiêng rất nhiều thứ,… Vậy thì sau sinh, phụ nữ nên ăn gì để tốt cho sức khoẻ, lợi sữa và tốt cho em bé? Điều này sẽ được chúng tôi giải đáp ngay trong bài viết này.

Dưới đây là những thực phẩm, hoa quả mà mẹ cần có chế độ bổ sung hợp lý sau sinh:

  • Thông thường, với các trường hợp sinh mổ, người phụ nữ chỉ nên uống nước lọc khoảng 6 tiếng sau sinh. Cho đến khi người mẹ có thể xì hơi hay đại tiện để đảm bảo hệ thống ruột không bị ảnh hưởng thì mẹ mới bắt đầu được ăn cháo loãng và mẹ có thể ăn cháo đặc dần về sau để phù hợp với khả năng tiêu hóa của cơ thể. Sản phụ có thể ăn cơm ngay sau đó 3 đến 4 ngày.
  • Uống đủ 3 lít nước mỗi ngày, có thể bổ sung sữa tươi không đường, nước gạo lứt hay các loại trà từ lúa mạch hạn chế tình trạng khô da, bong tróc da, hạn chế tình trạng táo bón, tăng khả năng liền vết thương của mẹ.
  • Phụ nữ sau sinh chỉ nên sử dụng các loại thức uống lành tính với cơ thể như sinh tố bơ, sinh tố mãng cầu, các loại nước ép hoa quả, nước dừa,…
  • Bổ sung các đồ uống tốt cho sữa mẹ như các sản phẩm từ chè vằng hay lá đinh lăng.
  • Nước trái cây, nước nghệ tươi hay sữa nghệ cũng rất thích hợp cho bà mẹ sau sinh, bổ sung vitamin và khoáng chất, cải thiện sức khoẻ làn da, giúp các mẹ bớt tự ti khi đứng trước mọi người vì xưa nay ta vẫn có câu “Nhất dáng nhì da” mà.
  • Bổ sung protein qua các loại thịt lợn, thịt bò nạc, trứng, sữa, ngũ cốc, gạo,…
  • Kết hợp ăn nhiều rau củ quả để cung cấp đầy đủ lượng vitamin, chất xơ không chỉ tốt cho cơ thể mà cũng giúp ích rất nhiều cho những sản phụ đang bị táo bón. 
  • Chú trọng những loại rau xanh như rau ngót, mồng tơi, cải bó xôi, súp lơ xanh,… Bổ sung các loại củ màu vàng hoặc vàng cam để bổ sung Beta caroten – tiền vitamin A như cà rốt, bí đỏ,… có ích cho thị lực, ngăn chặn quá trình oxy hoá  và các loại củ này còn giúp tăng lượng sữa mẹ.
  • Các loại đậu, đỗ như đậu cove, đậu Hà Lan, đậu ngự, đậu nành,…
  • Hay các loại hoa quả lành tính lại rất dễ kiếm như mãng cầu, đu đủ, chuối, sung, táo,… cũng rất tốt cho bà mẹ sau sinh.

Những lưu ý dành cho bà mẹ sau sinh

Chú ý vệ sinh sạch sẽ

Phụ nữ sau sinh nên ăn gì và kiêng ăn hoa quả hay thực phẩm gì?
Phụ nữ vệ sinh sạch sẽ sau sinh

Vệ sinh thân thể và bộ phận sinh dục sạch sẽ là điều rất cần thiết với phụ nữ sau sinh, giúp tránh các tác động từ bên ngoài, ngăn chặn sự phát triển của bệnh tật.

Sau khi sinh con, lượng sản dịch của mẹ vẫn còn rất nhiều và chảy ra âm đạo. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ rất dễ gây ra các viêm nhiễm phụ khoa.

Nên vệ sinh âm đạo ít nhất 3 lần mỗi ngày vào các khoảng thời gian sáng, chiều và tối trước lúc ngủ. Bên cạnh đó, việc thay băng vệ sinh cũng cần được thực hiện một cách thường xuyên, tránh cho vi khuẩn có cơ hội tích tụ lại và tiếp xúc trực tiếp với âm đạo. Vì với các mẹ sinh thường, chuyển dạ làm cho âm đạo không chỉ bị tổn thương mà còn bị dãn ra, không thể nhanh chóng co lại ngay được nên vi khuẩn cũng xâm nhập dễ dàng hơn.

Nên rửa bằng nước sạch hoặc sản phụ có thể dùng các dung dịch vệ sinh phụ nữ thích hợp. Nên duy trì nước ở nhiệt độ phù hợp, không quá lạnh. Sau khi rửa xong cần dùng khăn bông sạch để thấm khô vùng âm đạo. 

Ngoài vệ sinh âm đạo, tắm rửa, vệ sinh toàn thân cũng rất quan trọng. Với tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều khói bụi cùng điều kiện thời tiết nóng ẩm quanh năm của Việt Nam, lại thêm quá trình sinh em bé vất vả, kéo dài khiến cho người mẹ đổ rất nhiều mồ hôi. Do vậy, ngay ngày hôm sau, sản phụ cần được tắm với nước ấm và tắm nhanh trong khoảng 20 phút, có thể thêm một chút rượu gừng vào trong nước tắm để làm sạch cơ thể, giúp cơ thể thơm tho, tránh nhiễm trùng da, giữ ấm cơ thể, tránh nhiễm lạnh. Và chú ý sản phụ không nên tắm bồn hay ngâm mình trong nước vì có thể gây nhiễm khuẩn toàn thân, tăng thời gian tiếp xúc của vi khuẩn với âm đạo cũng như da của mẹ.

Với các mẹ đẻ mổ hay trong quá trình mổ phải rạch tầng sinh môn, việc vệ sinh càng được chú ý. Các mẹ chỉ nên lau người hay xông hơi với các loại thảo dược ích lợi và tránh động chạm đến các vết thương này.

Các trường hợp sinh mổ được khuyên phải chờ ít nhất 1 tuần mới nên tắm để vết mổ có thời gian khô lại, giảm đau rát, khó chịu và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Mẹ có thể kết hợp các hình thức massage, giúp cơ thể thư giãn và thoải mái hơn.

Sau khi sinh, các mẹ vẫn được đánh răng và vệ sinh khoang miệng như bình thường mà không cần kiêng kị gì. Nên dùng nước ấm, chọn loại bàn chải lông mềm, đánh răng một cách nhẹ nhàng để đảm bảo sức khoẻ răng miệng bởi chế độ dinh dưỡng sau sinh sẽ là điều kiện thuận lợi cho rất nhiều loại vi khuẩn phát triển và tấn công mẹ đấy.

Xem thêm: [NÊN ĐỌC] Có nên cho bé uống nữa non Colos Platium 1 không?

Chế độ nghỉ ngơi phù hợp

Phụ nữ sau sinh nên ăn gì và kiêng ăn hoa quả hay thực phẩm gì?
Phụ nữ sau sinh nên có chế độ nghỉ ngơi phù hợp

Mang thai và sinh nở lấy đi của chị em rất nhiều sức lực. Vì thế, sau sinh các chị em cần phải thiết lập cho mình một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. 

Các mẹ sau sinh cần được ngủ đủ giấc, khoảng 8 đến 9 tiếng mỗi ngày và tốt nhất nên ngủ trước 11 giờ đêm.

Khi nghỉ ngơi, các mẹ nên nằm ở tư thế nghiêng người, có thể kê gối hai bên để tránh các tác động lên bộ phận sinh dục hay vết mổ ở bụng.

Về việc cho trẻ bú mẹ

Các chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt. Điều này không chỉ tốt cho mẹ mà còn tốt cho cả em bé. Mẹ sẽ tránh được tình trạng tắc sữa hay sa tử cung. Và như các bạn cũng biết sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ bởi trong thành phần của sữa mẹ ngoài các chất dinh dưỡng còn có chứa kháng thể – yếu tố quan trọng giúp trẻ có khả năng chống lại bệnh tật.

Tuy nhiên, một số mẹ chưa có sữa ngay sau khi sinh thì các bé có thể uống sữa ngoài nhưng tránh cho trẻ ti bằng bình ngay vì điều này sẽ khiến trẻ không còn muốn bú mẹ nữa.

Mẹ nên ngồi để chăm cho con bú và thời gian còn lại nên nằm xuống vừa là để nghỉ ngơi vừa hạn chế tình trạng đau mỏi lưng.

Giữ cho tâm lý thật tốt, tránh căng thẳng, stress

Tâm lý, cảm xúc sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của mỗi người và với các mẹ sau sinh cũng thế. 

Trong thai kì và giai đoạn đầu sau sinh, nội tiết tố thay đổi cùng với những tự ti về ngoại hình, áp lực khi chăm con nhỏ,… khiến cho mẹ dễ bị căng thẳng, stress. Nhưng điều này cực kì không tốt vì lâu dần không được khắc phục sẽ khiến mẹ mệt mỏi, suy nhược hay có thể bị trầm cảm sau sinh. Tâm lý không tốt cũng làm giảm lượng sữa tiết ra hàng ngày, trẻ không được bú sữa mẹ sẽ chịu thiệt thòi lớn, sức khoẻ cũng sẽ yếu hơn các bạn cùng trang lứa.

Do vậy ,các mẹ hãy có chế độ nghỉ ngơi phù hợp và hãy chia sẻ cùng chồng và những người thân để được cảm thông, giúp đỡ nha. Điều này không chỉ giúp mẹ đỡ vất vả mà còn cảm nhận được yêu thương, quan tâm từ mọi người xung quanh, tâm trạng cũng sẽ được thoải mái hơn nhiều đấy

Vận động hàng ngày

Tuỳ vào việc bạn sinh thường hay sinh mổ mà thời gian hạn chế các vận động sẽ khác nhau. Với trường hợp sinh thường, bạn cần nghỉ ngơi khoảng 2 tuần là có thể đi lại được rồi. Trường hợp sinh mổ thì mẹ sẽ phải đợi lâu hơn, cho đến khi nào vết mổ lành lại.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên áp dụng những bài tập nhẹ nhàng trong thời kì này như yoga, thiền hay Kegel,… để rèn luyện sức khoẻ, tăng cường sự linh hoạt và dẻo dai của cơ thể.

Không nên mang vác quá nhiều đồ hay làm những việc nặng vì dễ dẫn đến suy kiệt cơ thể.

Tránh giặt quần áo bằng tay trong tháng đầu tiên sau sinh để hạn chế nổi rõ các gân tay, gây mất thẩm mỹ.

Nên kiêng làm “chuyện vợ chồng” trong thời gian này

Phụ nữ sau sinh nên ăn gì và kiêng ăn hoa quả hay thực phẩm gì?
Kiêng làm chuyện vợ chồng

Sau khoảng 1 tháng sau sinh, lượng sản dịch của mẹ mới có thể hết nên quan hệ trước khoảng thời gian này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của mẹ. 

Hơn nữa, trong thời kì mang thai và khi sinh con, người phụ nữ đã phải chịu rất nhiều vất vả, đau đớn, cơ thể cũng đã suy nhược đi ít nhiều. Điều này khiến cho những “cuộc yêu” chỉ mang tính chất chiều chồng mà không hề đem lại niềm vui hay cảm giác thăng hoa cho người vợ. Nên các ông chồng cũng chú ý điều này để quan tâm và chăm sóc vợ nhiều hơn, đừng để những “cuộc vui” nhất thời của mình mà làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của vợ.

Các nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ sau sinh có sự thay đổi tương đối nhiều, nồng độ estrogen suy giảm, khiến cho ham muốn của các chị em cũng giảm đi nhiều, chất nhờn cũng tiết ra ít hơn khi quan hệ dẫn đến tình trạng khô rát âm đạo, khó chịu, giảm chất lượng cuộc yêu.

Đối với mẹ sinh mổ, quan hệ tình dục sớm còn có thể tác động lên vết mổ, gây đau đớn, thùng hoặc thậm chí rách vết thương gây nguy hiểm cho sản phụ nếu không được kịp thời xử trí.

Nên đợi khoảng 4 đến 6 tuần sau khi vợ sinh xong hoặc đến khi vợ đã hoàn toàn khoẻ mạnh và sẵn sàng chiều chồng.

Do vậy, các ông chồng hãy biết yếu thương, quan tâm và thấu hiểu cho người vợ của mình nhé. Vì gia đình cô ấy đã phải chịu quá nhiều vất vả rồi. Đây là lúc mà các đấng mày râu thể hiện sự tâm lý, vai trò trụ cột của mình đấy.

Các gia đình đều mong muốn “Mẹ tròn con vuông”, để có thể hưởng trọn vẹn niềm vui, niềm hạnh phúc. Hãy tận hưởng điều tuyệt vời ấy một cách thông minh nhất, biết làm những gì là tốt và không tốt. Chế độ kiêng cữ sau sinh là điều rất cần thiết và quan trọng nhưng cũng đừng để chúng trở thành một phần áp lực cho gia đình bạn, khiến bạn không được thoải mái. Tuỳ vào điều kiện, hoàn cảnh và mong muốn của mỗi người cùng với sự hiểu biết, các thông tin lại dễ dàng tìm kiếm như hiện nay thì các cặp vợ chồng cũng không cần phải quá lo lắng về vấn đề này. Bởi không kiêng cữ hay kiêng cữ quá mức cũng đều gây ảnh hưởng đến người mẹ. Hãy lựa chọn cho mình một giải pháp hợp lý và an toàn nhất nhé. Mong rằng những thông tin mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ hữu ích cho bạn.

Chúc cho mẹ, bé và cả gia đình mình sẽ luôn vui vẻ, khoẻ mạnh, ngày càng gắn kết và hạnh phúc nha. 

Ngày viết:

2 thoughts on “Phụ nữ sau sinh nên ăn gì và kiêng gì? Các món ăn, hoa quả nên dùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *