Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là một trong những vấn đề đang được quan tâm. Kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì, dấu mốc quan trong cho thấy trẻ có thể mang thai. Thế nhưng ở giai đoạn này, kinh nguyệt của trẻ thường không đều, rối loạn.
Vậy việc rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì có nguy hiểm không, có những nguyên nhân và cách cải thiện tình trạng này thế nào? Cùng theo dõi bài viết của Sống Khoẻ 24h dưới đây để hiểu hơn về vấn đề này nhé.
Kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt (hay hành kinh) là hiện tượng chảy máu từ niêm mạc tử cung qua âm đạo ra ngoài. Nó là một biểu hiện bình thường của cơ thể nữ giới. Hiện tượng kinh nguyệt lần đầu sẽ xuất hiện khi nữ giới bước vào tuổi dậy thì. Khi các bộ phận của cơ quan sinh dục như buồng trứng, tử cung, vòi tử cung,.. đã hoàn thiện và sẵn sàng hoạt động. Kinh nguyệt đánh dấu sự trưởng thành của cơ thể nữ giới đồng thời cho biết người đó có khả năng làm mẹ.
Khi buồng trứng phát triển đến một thời điểm nhất định, nó sẽ giảo phóng ra 1 đến 2 quả trứng. Nếu trứng không được thụ tinh sẽ bị thoái hóa và đào thải ra ngoài cùng các tế bào nội mạc tử cung bị bong tróc và ra máu.
Sự chảy máu này xảy ra đều đặn hàng tháng nên được gọi là chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ này sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi mãn kinh. Độ dài của một chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày chảy máu đầu tiên của chu kỳ này cho đến ngày chảy máu đầu tiên của chu kỳ sau. Bình thường, vòng kinh sẽ khéo dài khoảng 28- 30 ngày, có thể tăng hoặc giảm tùy cơ địa mỗi người.
Chu kỳ kinh nguyệt là kết quả của sự biến đổi niêm mạc tử cung một cách có chu kỳ dưới tác dụng của các hormon tuyến yên và buồng trứng. Thời gian hành kinh trong một chu kỳ thường kéo dài từ 3- 7 ngày. Lượng máu trung bình mỗi chu kỳ khoảng 50- 80 ml. Máu kinh nguyệt là loại máu không đông. Trong trường hợp cường kinh, hiện tượng bong niêm mạc và chảy máu xảy ra quá nhanh dẫn đến tình trạng trong máu kinh nguyệt có thể có những cục máu đông. Sau khi ngừng chảy máu, dưới tác dụng của estrogen niêm mạc lại được tác tạo trở lại và được bài tiết từ các noãn nang phát triển ở buồng trứng trong chu kỳ mới.
Trước và trong kì kinh nguyệt, phụ nữ thường có những dấu hiệu, biểu hiện dễ dàng nhận ra:
- Da dầu, mọc mụn trứng cá. Da sẽ tiết một lượng dầu nhiều hơn bình thường, mụn trứng cá cũng sẽ xuất hiện.
- Khí hư ra nhiều hơn bình thường do lượng chất nhày ở tử cung tăng lên.
- Đau bụng dưới, có người đau âm ỉ, râm ran nhưng cũng có người đau dữ dội.
- Mệt mỏi đau ngực, đau mỏi lưng, thân nhiệt tăng.
- Thường dễ rối loạn cảm xúc.
Xem thêm: Ăn gì để chậm ngày kinh nguyệt? Lưu ý khi làm chậm kinh
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng kinh nguyệt diễn ra không đều, không theo chu kỳ. Thường khi mới bắt đầu hành kinh trong 1-2 năm đầu trẻ hay có rối loạn. Chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi với biên độ lớn. Việc đó khiến các bé gái bị chậm kinh hoặc sớm hơn thời gian bình thường. Rối loạn kinh nguyệt có nhiều biểu hiện cụ thể và rõ ràng.
Về chu kỳ kinh nguyệt
Một chu kỳ có thể dài hơn hoặc ngắn hơn bình thường, có thể 2- 3 tháng mới có kinh một lần, cũng có thể trong 1 tháng có kinh 2- 3 lần.
- Vô kinh: ở tuổi dậy thì mà chưa có kinh thì được gọi là vô kinh nguyên phát. Nhưng nếu có kinh rồi mà lại đột ngột mất trong thời gian khoảng 6 tháng được gọi là vô kinh thứ phát.
- Tắc kinh: kinh nguyệt ra không đều, ra thành từng giọt hoặc có kinh nguyệt bình thường nhưng khoảng 2- 3 tháng sau không thấy có kinh. Cũng có thể ở xảy ra ở những người 18 tuổi mà vẫn chưa xuất hiện kinh nguyệt.
- Bất thường về lượng máu kinh: Cường kinh: là hiện tượng máu kinh ra quá nhiều. Nếu kéo dài gây ra tình trạng thiếu máu. Thiểu kinh: là hiện tượng lượng máu kinh ra ít, ít hơn 3 ngày.
Số ngày có kinh trong một chu kỳ có thể kéo dài trên 7 ngày hoặc dưới 3 ngày.
Những nguyên nhân hay gặp
- Rối loạn rụng trứng.
- Hiện tượng kinh nguyệt mỗi tháng do sự thống nhất giữa trục hạ đồi, tuyến yên, buồng trứng chi phối.Khi ở tuổi dậy thì, trục hạ đồi, tuyến yên, buồng trứng chưa trưởng thành nên gây ra hiện tượng kinh nguyệt hay bị rối loạn.
- Do chế độ sinh hoạt chưa phù hợp: thức khuya, dậy sớm, căng thẳng trong học tập, áp lực thi cử. Ở độ tuổi này, trẻ chưa ý thức được rõ thế nào là thói quen sinh hoạt hợp lý, tốt cho sức khỏe.
- Học tập, làm việc quá mức. Chế độ luyện tập thể dục thể thao quá sức bình thường cũng là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng hormon.
- Do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, ăn uống không đủ chất, thường xuyên bỏ bữa, nhịn bữa.
- Do tâm sinh lý chưa ổn định. Ở độ tuổi này, trẻ dễ thay đổi tâm lý, rối loạn cảm xúc, thường xuyên khó chịu, cáu gắt.
- Do mắc bệnh phụ khoa. Tỷ lệ mắc bệnh phụ ở độ tuổi này là rất ít nhưng không có nghĩa là không thể có. Các bạn nữ có thể mắc các bệnh về viêm nhiễm phụ khoa, các bệnh về buồng trứng, tử cung…
- Sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài cũng sẽ là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Thuốc tránh thai kích thích hormone nội tiết gây ức chế rụng trứng và ngăn quá trình thụ thai diễn ra. Hàm lượng canxi ổn định trong cơ thể giúp cho chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn. Các loại thuốc tránh thai có thành phần gây ức chế hấp thụ canxi. Chính vì vậy nếu sử dụng chúng lâu ngày sẽ dẫn đến cơ thể thiếu canxi gây ra tình trạng tắc kinh, bế kinh kéo dài.
- Do phá thai. Ở thời đại 4.0, giới trẻ có suy nghĩ rất thoáng nên việc mang thai ngoài ý muốn cũng có thể xảy ra. Trước khi phá thai, nồng độ hormone estrogen và progesterone thay đổi khi mang thai. Sau khi phá thai, nồng độ 2 hormon này thay đổi đột ngột chưa thể trở về bình thường. Hoặc cũng có thể do dính buồng tử cung.
Tất cả các nguyên nhân trên sẽ dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều, kinh có thể đến sớm hoặc muộn hơn bình thường.
Những dấu hiệu của kinh nguyệt không đều
- Hiện tượng ra kinh nhiều: khoảng 1- 2 giờ phải thay một lần băng vệ sinh.
- Có cục máu động nhiều, kích thước to thường trên 2,5cm.
- Vòng chu kỳ kinh nguyệt diễn ra không đều. Có thể dài hơn 32 ngày hoặc ngắn hơn 28 ngày. Cũng có thể trong 1 tháng có kinh 2 lần hoặc 2- 3 tháng mới có kinh một lần.
- Số ngày có kinh trong một chu kỳ. Ở người bình thường là 3- 7 ngày. Khi mà số ngày kinh ngăn sớm hơn 2 ngày hoặc nhiều hơn 7 ngày thì trẻ đang trong tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
- Lượng máu mất đi quá nhiều hoặc quá ít.
- Có sự thay đổi về máu kinh nguyệt. Nếu như chu kỳ kinh nguyệt người bình thường thì máu đỏ sẫm thì chu kỳ kinh nguyệt không đều có màu đỏ tươi hoặc màu đen, mùi khó chịu.
Triệu chứng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì
- Cơ địa: trẻ mệt mỏi, xanh xao.
- Đau bụng kinh dữ dội.Có trường hợp còn kèm theo nôn mửa, sốt và ngất.
- Thiếu máu: khi trẻ bị cường kinh.
- Có khi kinh nguyệt có mùi hôi, vùng kín bị ngứa.
Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có nguy hiểm không?
Hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là một hiện tượng sinh lý bình thường bắt nguồn từ những nguyên nhân đơn giản như trên. Và bởi cơ thể trẻ đang có nhiều thay đổi diễn ra bên trong. Đa số trường hợp không đáng lo ngại. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chủ quan, xem nhẹ vấn đề kinh nguyệt không đều. Đặc biệt trong trường hợp rong kinh, băng huyết kéo dài. Khi không có kinh hơn 3 tháng, điều này cho thấy trẻ có nguy cơ rất cao về các bệnh đường sinh dục.
Xem thêm: Mất kinh nguyệt: Nguyên nhân, cách làm có kinh trở lại
Khi nào thì phải đi gặp bác sĩ?
Lời khuyên của bác sĩ dành cho đa số những trẻ bị rối loạn kinh nguyệt là không cần thiết phải điều trị. Chỉ cần thay đổi lối sống sinh hoạt, ăn uống, các hoạt động thể dục thể thao, tâm sinh lý là sẽ cải thiện đáng kể việc rối loạn này. Việc điều trị không mấy hiệu quả do phụ thuộc vào sự phát triển của cơ thể. Hơn nữa sử dụng các thuốc nội tiết kéo dài còn gây ra những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Khi gặp những biểu hiện sau cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để khám chữa bệnh kịp thời:
- Rong kinh, băng huyết kéo dài
- Chậm kinh hơn 3 tháng. Đó là dấu hiệu cho thấy trẻ có thể đang mắc bệnh liên quan đến cơ quan sinh sản.
- Trong một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài nhiều ngày không hết, đau bụng kinh dữ dội, quằn quại, có mùi hôi khó chịu.
- Chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên kéo dài trên 35 ngày.
- Máu kinh vón cục, vùng kín ngứa ngáy và có mùi hôi.
- Đến 18 tuổi mà vẫn chưa có kinh nguyệt
Các cách cải thiện rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Để cải thiện được rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì thì cần hạn chế những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Từ đó sẽ có những giải pháp phù hợp.
- Kinh nguyệt không đều do chế độ sinh hoạt chưa phù hợp: ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Thường xuyên tập thể dục thể thao bằng những động tác nhẹ nhàng, đều đặn. Không tập những động tác mạnh và quá sức.
- Chế độ dinh dưỡng khoa học: ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, các loại vitamin, các chất xơ, đạm, acid amin, uống nhiều nước… Không sử dụng các loại thực phẩm cay nóng, đồ uống có gas, đồ uống lạnh, các đồ uống có chứa chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá,…Hạn chế ăn các loại thức ăn, thực phẩm có tác động không tốt cho sức khỏe như đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều đường, đồ chiên rán,…
- Nghỉ ngơi thoải mái, tránh căng thẳng, stress. Không nên tạo áp lực cho trẻ bằng vấn đề học tập. Thường xuyên khuyến khích trẻ vui chơi, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thường xuyên.
- Không mặc đồ quá chật bó kín vào vùng kín khiến vùng kín ẩm ướt tạ điều kiện cho vi khuẩn xâm nhiễm gây bệnh.
- Trong thời gian có kinh, thay băng vệ sinh thường xuyên, khoảng 4 tiếng thay một lần.
- Điều trị bằng cách cân bằng nội tiết tố: sử dụng các thực phẩm chức năng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để điều hòa sự cân bằng.
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc tránh thai.
- Đối với những trường hợp bị mắc các bệnh phụ khoa cần phải khám chữa kịp thời. Điều trị nội ngoại khoa kết hợp.
- Có thể tự bổ sung viên sắt trước hoặc sau chu kỳ để phòng ngừa việc thiếu máu do thiếu sắt.
Mong rằng với những chia sẻ trên thì các bậc phụ huynh cũng như các bạn trẻ đã hiểu hơn về vấn đề kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì. Từ đó có thể hiểu và lắng nghe cơ thể hơn.
Xem thêm: [BẬT MÍ] 5 Cách giảm đau bụng kinh dữ dội ngay lập tức